TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀNG HẢI VIỆT NAM

VIETNAM MARITIME UNIVERSITY

Lễ khai giảng các khóa đào tạo nhân viên điều khiển phương tiện thủy nội địa năm 2022

Nhằm nâng cao hoạt động, tinh thần trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác tìm kiếm cứu nạn đường thủy nội địa, cũng như đào tạo bồi dưỡng hoàn thiện kỹ năng điều khiển phương tiện thủy nội địa của người trực tiếp tham gia vào hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, 09h00 ngày 07/06/2022, Cục cứu hộ cứu nạn phối hợp với Trường Đại học Hàng hải Việt Nam tổ chức Lễ khai giảng các khóa đào tạo nhân viên điều khiển phương tiện thủy nội địa phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn năm 2022.

Tới dự với Lễ Khai giảng
Về phía Cục cứu hộ cứu nạn, Bộ tổng tham mưu có đồng chí Thiếu tướng Lã Đại Phong - Phó chánh văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai - tìm kiếm cứu nạn; đồng chí Đại tá Trần Hoàng Bình - Trưởng phòng tìm kiếm cứu nạn hàng không - hàng hải, Cục cứu hộ cứu nạn.
Về phía Trường Đại học Hàng hải Việt Nam có PGS.TS Phạm Xuân Dương - Hiệu trưởng Nhà trường cùng các đồng chí trong Ban Giám hiệu Nhà trường, đại diện các Phòng, Ban chức năng của Nhà trường.
Về phía Trung tâm Huấn luyện thuyền viên có ThS Trần Quốc Chuẩn - Giám đốc Trung tâm cùng sự tham gia của các giảng viên trực tiếp giảng dạy và 116 đồng chí học viên.

Toàn cảnh lễ Khai giảng

Trong thời gian từ ngày 30/5/2022 đến ngày 25/09/2022 (chia làm 7 khóa và 30 học viên/1 khóa), các học viên được đào tạo các kiến thức về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, an toàn sinh mạng; hiểu các điều cơ bản của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; nắm được nguyên lý điều khiển tàu thủy; thuộc các tuyến đường thủy nội địa ở khu vực phía Bắc; nắm vững các quy định về vận chuyển, bảo quản và xếp dỡ hàng hóa; nắm vững các quy định về vận chuyển hành khách; có kiến thức cơ bản về bảo quản, bảo dưỡng sửa chữa phương tiện. Đồng thời được đào tạo các kỹ năng làm thành thạo các nút dây, các mối dây và thực hiện tốt các thao tác làm dây trên phương tiện; sử dụng được các trang thiết bị cứu hỏa, cứu thủng, cứu sinh; các dụng cụ gõ gỉ, dụng cụ sơn trên phương tiện; thành thạo khi chèo xuồng, đo nước, đệm va; điều khiển được phương tiện nhỏ trong mọi trường hợp.

Sau khóa học, các học viên đủ điện kiện sẽ làm bài kiểm tra cuối khóa, các học viên đạt sẽ được cấp chứng chỉ lái phương tiện thủy.

ThS Trần Quốc Chuẩn - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thuyền viên công bố các quyết định của Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam về việc mở các khóa đào tạo nhân viên điều khiển phương tiện thủy nội địa phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn năm 2022 và thành lập Ban quản lý ngoại khóa

Thiếu tướng Lã Đại Phong -  Phó Chánh văn phòng ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai - tìm kiếm cứu nạn phát biểu chỉ đạo lớp học

PGS.TS Phạm Xuân Dương – Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam phát biểu chỉ đạo

Phát biểu tại Lễ Khai giảng, PGS.TS Phạm Xuân Dương - Hiệu trưởng Nhà trường nhiệt liệt chúc mừng 116 đồng chí học viên tham gia đào tạo tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam - một ngôi trường có bề dầy lịch sử 66 năm xây dựng, hội nhập và phát triển. Năm 2021, đánh dấu bước phát triển đột phá của Nhà trường trong đào tạo theo chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ cho “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến 2030 tầm nhìn 2045” và chủ động hội nhập toàn cầu. Thầy Hiệu trưởng nhấn mạnh: các học viên cần cố gắng nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, nội quy của Trường, của lớp để có thể hoàn thành khóa học với lượng kiến thức nhiều nhất phục vụ cho công việc của mình, lĩnh hội một cách hiệu quả nhất đáp ứng yêu cầu thực tiễn đầy thách thức đang đề ra. Để đảm bảo yêu cầu của khóa học, Hiệu trưởng khẳng định sẽ bố trí và tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ giảng viên tham gia giảng dạy; quan tâm hỗ trợ học viên trong suốt quá trình học tập đồng thời chuẩn bị các điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học tại Trường.

Thông qua khóa đào tạo giúp các học viên có ý thức rèn luyện để nâng cao trình độ nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành đường thủy nội địa; yêu nghề, có ý thức cộng đồng và tác phong công nghiệp. Có khả năng tiếp nhận, ghi chép và chuyển thông tin theo yêu cầu; biết được yêu cầu, tiêu chuẩn, kết quả đối với công việc ở các vị trí làm việc xung quanh hoặc công việc có liên quan đến nghề điều khiển phương tiện thủy nội địa, chịu trách nhiệm đối với kết quả công việc của mình.